- Xin ông cho biết cơ sở pháp lý nào để tỉnh điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang?
- Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1396 ngày 25-9-2012, là cơ sở pháp lý, nền tảng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội TP. Nha Trang. Sau hơn 10 năm thực hiện, ngoài các mặt tích cực, quy hoạch cũng đã bộc lộ, phát sinh những bất cập, tồn tại cần phải thay đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu phát triển TP. Nha Trang văn minh, hiện đại, phát triển bền vững và hướng đến cuộc sống tốt hơn cho người dân, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân.
Trên cơ sở Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1456 ngày 25-9-2020, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai lập đồ án theo đúng trình tự, thủ tục quy định; tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch; tổ chức hội nghị lấy ý kiến, kêu gọi đóng góp ý tưởng, đề xuất liên quan phương án điều chỉnh quy hoạch của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; tổ chức trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp có đề nghị, kiến nghị liên quan. Nội dung định hướng quy hoạch đều dựa trên căn cứ chính trị, pháp lý, cơ sở khoa học; được tập thể Tỉnh ủy thống nhất nguyên tắc, quan điểm định hướng quy hoạch tại Kết luận số 92 ngày 18-10-2022 và Kết luận số 64 ngày 18-4-2022; được đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng và cụ thể hóa trong đồ án quy hoạch.
- Đối với các dự án trên đồi núi, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã có sự rà soát, đánh giá, xử lý như thế nào trong đồ án điều chỉnh quy hoạch, thưa ông?
- Từ cuối năm 2020, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND TP. Nha Trang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các dự án trên đồi núi về tính pháp lý, tiến độ thực hiện, đảm bảo đúng quy hoạch, đảm bảo môi trường bền vững và an toàn cho các khu dân cư phía dưới. Việc rà soát, phân loại, đánh giá và đưa ra hướng xử lý đối với 82 dự án ở khu vực đồi núi nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, với mục tiêu định hướng khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố nhưng vẫn đảm bảo về môi trường và phát triển bền vững.
Một số quan điểm chỉ đạo là mới so với các định hướng trước đây; trong đó có việc kế thừa có chọn lọc và cân nhắc thận trọng trong việc quy hoạch phát triển đất ở, đất dịch vụ và phát triển các dự án tại khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực lấn biển. Những quan điểm chỉ đạo mới này nhằm phục vụ tốt hơn lợi ích chung của cộng đồng, cải thiện giao thông, hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển bền vững theo hướng hài hòa với không gian, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
- Xin ông chia sẻ thêm về quan điểm của tỉnh trong việc cập nhật hay không cập nhật dự án vào đồ án quy hoạch mới?
- Việc lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 được tỉnh căn cứ vào các cơ sở chính trị, khoa học; đồng thời cũng thể hiện nguyên tắc “không hợp thức hóa các sai phạm” của tỉnh. Việc cập nhật, không cập nhật các định hướng, dự án… vào đồ án quy hoạch mới đều dựa trên cơ sở chính trị, khoa học và thực tiễn vững chắc; không thực hiện cơ chế “xin”, “cho”; áp dụng công bằng, minh bạch cho tất cả các dự án, doanh nghiệp. Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 có thể ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư đã được thỏa thuận trước đây. Việc điều chỉnh định hướng quy hoạch tại một số khu vực có thể ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, tỉnh đã cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố “được” và “mất”, tính kế thừa và phát triển mới, ý kiến của đại đa số người dân về một TP. Nha Trang văn minh, hiện đại trong tương lai.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ yêu cầu thực tế, UBND tỉnh được thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 20 ngày 12-10-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa. Việc điều chỉnh sẽ bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi đô thị; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và cá nhân, doanh nghiệp; đảm bảo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, đấu thầu, đầu tư, đất đai, xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Việc tổ chức lập, trình thẩm định và trình phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 đã được sự thống nhất của Tỉnh ủy, chính quyền và sự đồng thuận của đại đa số người dân, doanh nghiệp với mục tiêu quyết tâm xây dựng, phát triển TP. Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh, trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo định hướng về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN KỲ (Thực hiện)Tác giả: TTCDLKTCR
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn